Bệnh AIDS được phát hiện và mô tả đầu tiên ở Mỹ từ những năm 1980 – 1981. 6 năm sau vào năm 1987, các nhà khoa học đã phát minh ra thuốc AZT, có hiệu lực rõ rệt trong điều trị bệnh AIDS. Tiếp đó, nhiều loại thuốc khác được ra đời, tổng cộng khoảng 11 loại chia thành 3 nhóm: 2 nhóm có tác dụng ức chế men phiên mã ngược của viris làm cho nó không xâm nhập được vào tế bào lympho T và một nhóm trực tiếp ức chế men protease là men cần thiết cho quá trình tổng hợp protein của virus. Do vậy các thuốc này đều có tác dụng cản trở sự sinh sản của HIV, làm giảm nhanh chóng lượng virus trong máu, tăng số lượng tế bào lympho T làm chậm tiến triển của bệnh. Kéo dài đời sống cho bệnh nhân. Những thuốc trên đang là nhiềm hy vọng của hàng triệu bệnh nhân AIDS. Tuy nhiên cả 3 loại thuốc đều có những nhược điểm chưa khắc phục được, gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nặng như buồn nôn, nhức đầu, đau cơ, rối loạn tiêu hóa, đi lỏng, tăng men gan, tăng sắc tố mật, gây sỏi thận, viêm tụy, đau dây thần kinh ngoại biên, nổi ban da, sốt do thuốc… Nếu dùng đơn độc từng loại thuốc thì sớm chỉ sau một đến hai tuần đã làm virus nhờn thuốc AZT có tiếng là tốt nhất cũng chỉ có tác dụng rõ trong hai, ba năm đầu, về sau ngày càng kém hiệu lực. Một số thuốc đòi hỏi phải có chế độ dinh dưỡng đặc biệt, đôi khi gây phiền phức, ít được bệnh nhân chấp nhận ví dụ saquinavir phải uống thành nhiều lần trong ngày, sau bữa ăn nhiều đạm nhiều mỡ. Các loại thuốc này tương kỵ với nhiều loại thuốc, khi dùng phải hết sức thận trọng ví dụ thuốc ntinavir kết hợp với thuốc ngủ hoặc thuốc chống loạn nhịp tim sẽ tăng độc tính của thuốc. Các loại thuốc trên dù sao cũng chỉ có tác dụng đặc hiệu với HIV, trong khi ở bệnh nhân AIDS còn phải đối phó với nhiều tác nhân gây bệnh khác ở nội tạng hoặc ngoài da như vi khuẩn, virus, nấm men… Mặt khác còn phải kết hợp chế độ dinh dưỡng, các biện pháp nâng cao thể lực truyền máu, truyền đạm, vật lý trị liệu, săn sóc, động viên an ủi bệnh nhân để bệnh nhân an tâm tích cực tham gia điều trị, tránh bi quan tiêu cực. Một khó khăn nữa là về mặt kinh tế, không phải ai cũng có thể bỏ tiền ra mua những thuốc trên. Nhất là ở các nước đang phát triển nếu không có chính sách bảo hiểm y tế hoặc cứu trợ thích đáng, thì ít ai đủ khả năng chấp nhận điều trị AZT mỗi tháng tốn ít nhất là từ 200 đô la Mỹ đến 300 đô la Mỹ các thuốc hiện đại chống protease tốn từ 500 đô la Mỹ đến 800 đô la Mỹ. Hiện nay với phương châm đánh mạnh đánh sớm, các nhà chuyên môn thường kết hợp cả 3 loại thuốc đa hóa trị liệu nhằm tăng cường hiệu lực, giảm độc tính, giảm tỷ lệ kháng thuốc. Đồng thời nhiều nhóm bác học cũng đang tích cực nghiên cứu vác-xin chống HIV. Đây mới thực sự là niềm hy vọng cơ bản và lâu dài nhất của tất cả chúng ta khống chế tiến tới thanh toán đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn cần tìm ra một vác-xin có khả năng đối phó với tính đa dạng của HIV và phải tìm được mẫu động vật thực nghiệm có phản ứng với HIV tương tự như cơ thể người. Các thuốc điều trị AIDS mặc dù đã có hiệu lực nhưng chưa phải đã hoàn hảo, cần được tiếp tục nghiên cứu cải tiến. Còn vác-xin chống HIV thì mới chỉ là mục tiêu phấn đấu, chắc chắn còn phải trải qua nhiều công trình nghiên cứu nữa mới thành hiện thực. Vì vậy trước mắt để hạn chế tác hại của đại dịch HIV/AIDS mỗi chúng ta chỉ còn các tốt nhất là luôn luôn biết tự kiềm chế, tự giác thực hiện tốt lối sống và quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh trong gia đình và trong cả xã hội.
GS. Nguyễn Xuân Hiền-Sức khỏe & Đời sống/ Bộ Y tế – Hà Nội – Số 14(775)1998